Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU VỀ TỔ CHỨC NHÓM SINH VIÊN TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC



Nhắc tới sinh viên, chúng ta luôn nghĩ tới một lứa tuổi với những điều trong sáng và tốt đẹp. Đây là lực lượng kế cận bổ sung cho đội ngũ trí thức của xã hội. Hiện nay, thế hệ sinh viên Việt Nam đang nỗ lực rèn luyện, học tập, bổ sung kiến thức để hoàn thiện bản thân qua việc tham gia nhiều hoạt động, mà nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong số đó. 
NCKH là một hình thức giáo dục ở đại học, là một khâu trong quá trình học tập của sinh viên. Công tác NCKH của sinh viên là phương pháp có hiệu quả nhất trong việc đào tạo những người cán bộ ở trình độ đại học. Nó phát triển tối ưu tư duy sáng tạo, phát triển tính linh cảm khoa học, phát triển những kỹ năng, kỹ xảo nghiên cứu khoa học của người sinh viên trong quá trình tiếp nhận tri thức, từ đó sử dụng chúng vào giải quyết một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hoạt động NCKH là cơ hội để sinh viên tự thể hiện nhân cách của mình và hình thành kỹ năng làm việc nhóm. Hoạt động NCKH trong sinh viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Trong điều kiện năng lực, thời gian sinh viên dành cho NCKH còn hạn chế, kinh phí phục vụ cho công tác NCKH của sinh viên còn ít. Trong khi đó yêu cầu của một đề tài NCKH của sinh viên ngày càng cao, khối lượng công việc của một đề tài NCKH của sinh viên ngày càng lớn, mỗi cá nhân sinh viên khó có thể hoàn thiện được hết các công việc, điều đó làm cho kết quả và hiệu quả của đề tài không cao mặc dù khâu chuẩn bị rất chu đáo, việc chọn đề tài, lên đề cương, ý tưởng rất tốt. Chính vì vậy, mô hình NCKH theo nhóm sinh viên đang được khuyến khích phát triển, để đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là việc lập, vận hành của  nhóm sinh viên NCKH chưa thật sự hiệu quả. Các nhóm sinh viên NCKH được lập ra nhưng hoạt động thiếu thống nhất, hoạt động không có chủ định ảnh hưởng đến kết quả chung của nhóm. Từ thực tế tổ chức nhóm sinh viên trong NCKH tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động NCKH theo nhóm sinh viên như sau:
Một là, phải lựa chọn đúng người, phân đúng việc.
Trước khi bước vào thực hiện đề tài, căn cứ vào mục tiêu đề tài, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu mà chủ nhiệm chính đề tài (sau đây gọi là trưởng nhóm) phải lựa chọn được thành viên phù hợp. Phù hợp ở đây là phù hợp về số lượng và năng lực thành viên theo yêu cầu của đề tài. Nếu đề tài yêu cầu cao, đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng thì phải tập hợp đủ người và phải phù hợp với chuyên môn của từng người. Sau khi tập hợp đủ thành viên theo yêu cầu thì phân việc cho mỗi thành viên cũng rất quan trọng. Phân công công việc là một việc làm không thể thiếu khi hoạt động theo nhóm. Khi phân công phải chú trọng phân công phù hợp với năng lực của từng thành viên vì mỗi cá nhân sẽ cống hiến hết mình nếu họ được đánh giá đúng năng lực, sử dụng đúng và được tin tưởng. Sự phân công rõ ràng trách nhiệm của từng thành viên sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho nhóm. Phong cách làm việc nhóm là phải bình đẳng giữa các thành viên. Nghĩa là, ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Cùng thực hiện các công việc có thể khác nhau nhưng cùng một mục đích chung là hoàn thiện đề tài để đạt kết quả và hiệu quả cao.  Việc tập hợp thành viên và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác phải căn cứ trên yêu cầu và mục tiêu của đề tài cần nghiên cứu. Thông thường, một đề tài NCKH theo nhóm tối đa là 05 thành viên. Tuy nhiên, căn cứ vào các yêu cầu thì không nhất thiết phải đủ 05 thành viên, có thể chỉ cần 03 hoặc 04, thậm chí chỉ cần 02 thành viên. Quan trọng là phải căn cứ vào khối lượng công việc phải làm trong khoảng thời gian đã xác định.
Hai là, thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng yêu cầu và kịp tiến độ.
Trong quá trình thực hiện, vai trò của trưởng nhóm hết sức quan trọng đặc biệt là trong khâu kiểm tra và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm theo nguyên tắc đảm bảo đúng yêu cầu và kịp tiến độ. Thực tế cho thấy, mặc dù công việc phân công cho các thành viên đã rò ràng, khối lượng công việc có thể hoàn thành kịp thời gian theo yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều thành viên tỏ ra lúng túng, thực hiện không theo yêu cầu, không phân bổ thời gian hợp lí và thường “nước đến chân mới nhảy” nên nhiều trường hợp hoàn thành không tốt nhiệm vụ và đôi khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nhưng chủ yếu là ở các thành viên, do quá trình hội họp, phân việc không chú ý, chưa nắm rõ các yêu cầu, trong quá trình thực hiện thì thiếu liên kết, trao đổi, làm việc cá nhân, cảm tính dẫn đến sai lệch. Chính vì vậy, khi phân công công việc trưởng nhóm cần phân rõ công việc, hướng dẫn các thành viên các bước thực hiện. Các thành viên phải hiểu rõ và nếu có thắc mắc thì phải hỏi và trao đổi với nhóm trưởng.
Ba là,  phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của trưởng nhóm.
Việc tổ chức nhóm sinh viên NCKH thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của trưởng nhóm. Trưởng nhóm là người điều hành chung công việc, người ra các quyết định và tổng hợp các ý kiến của các thành viên trong nhóm. Vì vậy, trưởng nhóm phải là người đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm, vốn hiểu biết, đạo đức, quan hệ mới đáp ứng và điều hành tốt hoạt động của nhóm.
Bước vào thực hiện đề tài,  trưởng nhóm phải làm cho mỗi thành viên hiểu rằng, họ có thể hợp tác trong nhóm một cách bền vững, lâu dài và đôi bên cùng có lợi. Mỗi thành viên đều tin vào năng lực chuyên môn và tư cách đạo đức của trưởng nhóm. Trong trường hợp cho phép, trưởng nhóm cần tranh thủ cả niềm tin của gia đình, người thân của các thành viên trong nhóm. Trưởng nhóm phải là người có đủ khả năng hướng dẫn, dẫn dắt như một kim chỉ nam về chuyên môn, các mối quan hệ, giao tiếp nghề nghiệp… Với vai trò này, người trưởng nhóm  phải giỏi về chuyên môn, luôn làm chủ được các vấn đề, kiến thức liên quan tới các nghiên cứu trong nhóm, giúp các thành viên lựa chọn hướng chuyên môn thích hợp. Trưởng nhóm phải thật sự hiểu rõ tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của các thành viên trong nhóm. Những khó khăn, vướng mắc của các thành viên để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh mặt chuyên môn, trưởng nhóm cần thường xuyên hun đúc cho mỗi thành viên những mong muốn phấn đấu và cống hiến. Để mỗi thành viên đều cảm thấy khát vọng sống, khát vọng học tập và khát vọng làm việc. Đặc biệt là vai trò cộng hưởng sức mạnh. Trong một tập thể đông người rất dễ xảy ra các va chạm, do vậy người trưởng nhóm phải là tâm điểm xây dựng, bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất…Các hoạt động sáng tạo trong NCKH luôn trầm lặng và căng thẳng, đòi hỏi trưởng nhóm cần biết cách tạo ra không khí tươi vui lành mạnh, như vậy hiệu quả làm việc sẽ tăng, đồng thời không gây sự nhàm chán. Tất cả (hoặc hầu hết) các ý tưởng nghiên cứu, các cải cách lớn, quan trọng đều phải xuất hiện đầu tiên ở trưởng nhóm, hoặc do trưởng nhóm khởi động. Tất nhiên phải rất chú trọng kích thích sự sáng tạo của mỗi thành viên. Nói chung, trưởng nhóm phải biết cách tạo ra chất sống và sức sống, phát triển sức sống ấy cho nhóm NCKH.
Bốn là, phát huy vai trò và trách nhiệm của các thành viên trong nhóm.
Tham gia nhóm nghiên cứu mỗi thành viên có một vị trí và vai trò nhất định, góp phần thành công trong công việc chung của nhóm.  Mỗi thành viên phải có trách nhiệm đối với nhóm, trách nhiệm với phần việc mình phụ trách và kết quả chung của nhóm. Mỗi thành viên phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với nhóm, phải hiểu rằng mình là một mắt xích trong “cỗ máy” nhóm, một mắt xích không đảm bảo thì ảnh hưởng đến sự vận hành của cả cỗ máy. Vì vậy, mỗi thành viên phải có thái độ làm việc nghiêm túc, tích cực cùng cả nhóm thực hiện mục tiêu chung một cách hiệu quả nhất. Tính tích cực của các thành viên được thể hiện ở việc cùng với nhóm trưởng xây dựng kế hoạch hoạt động của nhóm, chọn đề tài, xây dựng đề cương đề tài, thực hiện tốt phần việc được giao. Tham gia phát biểu ý kiến xây dựng nhóm vững mạnh, thường xuyên có những ý kiến đóng góp tích cực để nâng cao chất lượng đề tài và hiệu quả hoạt động của nhóm. Bên cạnh phát biểu ý kiến, mỗi thành viên cũng cần biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của thành viên khác cũng như của trưởng nhóm. Mọi ý kiến và quan điểm phải xuất phát từ mục đích và lợi ích chung của nhóm. Không vì lợi ích của cá nhân hay của một vài cá nhân mà làm sai trái.
Trên đây là một số kinh nghiệm của cá nhân tôi trong việc tổ chức nhóm sinh viên NCKH. Hy vọng rằng mỗi sinh viên có thể tham khảo và rút ra cho mình những kinh nghiệm để đạt kết quả cao trong việc tổ chức nhóm sinh viên NCKH.

Hồ Chí Minh – mãi một niềm tin son sắt

Sau khi chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào những năm cuối thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội coi đây là “thời cơ vàng” để đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công toàn diện vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó Việt Nam là một trọng điểm với tham vọng loại bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực ra khỏi đời sống chính trị thế giới.
Trong cuộc chiến mới, kẻ thù sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, lực lượng, phương tiện mới tấn công trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm chuyển hóa chế độ chính trị các nước xã hội chủ nghĩa theo hướng tư bản chủ nghĩa, thực hiện phương châm “không đánh mà thắng”. Trong chiến lược toàn cầu đó, kẻ thù đặc biệt chú trọng tấn công vào trận địa tư tưởng, văn hóa hòng làm thay đổi nhận thức, tình cảm, phá hoại niềm tin, lý tưởng cách mạng, làm suy đồi đạo đức lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân với kỳ vọng biến “diễn biến hòa bình” thành “tự diễn biến”, kích động tư tưởng chống đối từ trong nội bộ, âm mưu thủ tiêu thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ cùng nhân nhân ta đã dày công gây dựng, giữ gìn. Lâu nay, các thế lực chống phá chủ nghĩa xã hội, chống Việt Nam triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin, tuyên truyền để gieo rắc các quan điểm, tư tưởng tư sản, phản động, xuyên tạc, bội đen lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Chúng cố tình rêu rao rằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta ưa dùng bạo lực, say máu chiến tranh nên đã đưa cả dân tộc vào con đường “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn”…Bằng thủ đoạn thâm độc này, kẻ thù đã làm cho không ít người, nhất là thế hệ trẻ mơ hồ, hoài nghi, giảm sút niềm tin vào Đảng, Bác Hồ.
Còn nhớ bến Nhà Rồng, năm 1911, người thanh niên đang tuổi 20 có tầm tư tưởng, lòng yêu nước vượt biển lớn đã không ngại gian khó, vượt muôn trùng khơi, để lại sau lưng gia đình, người cha, người anh, người chị rất mực yêu thương với niềm tin sắt son từ hai bàn tay trắng. Người thanh niên đất Việt với thân hình nhỏ nhắn làm đủ các nghề từ phụ bếp, cào tuyết, đốt lò đến rửa bát, viết báo, viết kịch, bán báo, bán thuốc lá, thạm chí là kép xe (phải khẳng định răng, Người không phân biệt, phân chia đẳng cấp giữa các nghề, vì đó là công việc đặc thù, đó là nhân dân lao động cần được giải phóng, cần được tạo điều kiện trong một xã hội hoàn thiện hơn, ưu việt hơn)…, bất kể vất vả, gian khổ để bám trụ nơi đất khách quê người, nuôi ý chí lớn lao là tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc đang trong ách gông cùm. Người rong ruổi khắp năm châu bốn bể, từ Pháp sang Hoa Kỳ, Anh rồi quay trở lại Pháp, sang Liên Xô, Trung Quốc, châu Âu… Khoảng cách địa lý, chiến tranh, khó khăn, đói rét không kìm nổi bước chân nhiệt huyết của người thanh niên nhỏ nhắn, ở đôi mắt của con người ấy ánh lên nụ cười đầy lạc quan, khát vọng, mãn nguyện khi được hy sinh, tiên phong cho một tương lai mới của dân tộc.
Thời kỳ trước năm 1930, khi chưa có Đảng, đất nước đặt dưới ách đô hộ thực dân, biết bao cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc đã nổ ra nhưng đều thất bại, bị kẻ thù đàn áp dã man, dìm trong bể máu. Từ năm 1930 đến nay, có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, giáo dục, tổ chức, cách mạng Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng đường lối chính trị, nhân dân ta kiên quyết đứng lên đấu tranh làm thay đổi địa vị của cả dân tộc, từ thân phận nô lệ trở thành người tự do làm chủ vận mệnh của mình. Tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh gắn liền với những bước ngoặt vĩ đại của dân tộc.
Có thể khẳng định Hồ Chí Minh là nhà yêu nước Việt Nam đầu tiên đến với ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lenin và Cách mạng tháng Mười Nga để tìm ra con đường đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi ngày hôm nay. Người nhận rõ chân lý của thời đại: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, bởi vì “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên trái đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, đất nước còn nhiều khó khăn, những thành tựu đạt được của sự nghiệp đổi mới là rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử, khẳng định lý tưởng cộng sản cao đẹp, sức sống bền vững của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam suốt thế kỷ XX cho đến ngày nay và cả mai sau. Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, nêu tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, tinh thần tận tụy, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị. Người đã hiến dâng tất cả chỉ quên mình. Khẳng định công lao, đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại, UNESCO đã tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”.
Vậy mà, để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, kẻ địch đã không từ bỏ một thủ đoạn tuyên truyền phản động nào. Chúng tuyên truyền xuyên tạc tư tưởng, thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Người, tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác – Lenin nhằm phủ nhận cơ cở lý luận của Đảng. Chúng rêu rao rằng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng dân tộc không chịu ảnh hưởng gì của Chủ nghĩa Mác – Lenin có tính quốc tế. Đặc biệt chúng còn mở chiến dịch phản tuyên truyền vu khống “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh” bằng những thủ đoạn hèn hạ nhất, chúng dựng chuyện đời tư để bôi nhọ Người, phát tán tài liệu, sách báo, tranh ảnh nói xấu, xuyên tạc về Người làm cho không ít người nhẹ dạ cả tin, hoài nghi về lãnh tụ kính yêu của mình, nhân dân phân tâm, giảm sút niền tin vào Đảng do chính Người sáng lập. Chúng còn ra sức xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trắng trợn bôi nhọ các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta.
Tất cả, vì mục tiêu chống đối chế độ Xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân ta đang dày công gây dựng nên chúng nói xấu chế độ ta một cách điên cuồng, không tiếc lời lẽ tán dương các giá trị tư sản, bôi nhọ lịch sử dân tộc Việt Nam. Và tất nhiên, một trong những thủ đoạn nham hiểm nhất của chúng chính là hạ bệ tượng đài Hồ Chí Minh trong lòng người dân Việt Nam, từ đó xuyên tạc, bác bỏ thành quả cách mạng của Đảng, nhân dân ta đã đạt được, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc – cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta. Bác Hồ - “Người là niềm tin thiết tha nhất” – cái tên gợi về trong mỗi người Việt Nam bao nỗi xao xuyến, xúc động. Thế nhưng, cũng không ít lần những người Việt Nam ấy phải nghẹn lòng, phẫn nộ khi xem, đọc những thông tin xuyên tạc về Người. Không thể đôi co, không thể nóng giận, những người Việt hiểu biết vẫn điềm tĩnh và tỉnh táo để giữ vững niềm kính yêu vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mình.
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tụ do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già
Sinh thời, Bác luôn chăm lo cho các tầng lớp nhân dân, Người đặc biệt thương cảm đối với nhân dân cần lao, dành tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số. Không kể việc nước nhà bận rộn, Người luôn dành những khoảng thời gian quý giá của mình quan tâm, gặp gỡ, thăm hỏi đồng bào các vùng miền trên cả nước. Suốt cuộc đời mình, Người luôn trăn trở chưa đi được nhiều nơi để thăm đồng bào, Người trăn trở về chuyện đồng bào miền Nam, đồng bào Tây Nguyên ngày đêm mong ngóng được gặp Người mà Người không vào được.
Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha…
Nhưng Người luôn quan tâm, hỏi chuyện về đồng bào miền trong, Người khẳng định: “Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi. Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Đó cũng là nguồn động lực, niềm động viên, khích lệ to lớn để đồng bào miền Nam, Tây Nguyên kiên cường đứng lên cùng hậu phương vững chắc miền Bắc làm lên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước, thực hiện di nguyện, niềm tin tưởng của Người trước lúc đi xa.
Những câu chuyện kể về cuộc đời gần dân, yêu thương của Người như một kho tư liệu quý về một con người mang tầm vóc núi sông, một nhân cách lớn lao mãi được lưu giữ trong tiềm thức của nhân nhân Việt Nam, đồng hành cùng những chặng đường lịch sử của dân tộc. Kẻ thù dù có thâm độc đến đâu cũng không thể làm phai nhạt tình cảm của mỗi người dân Việt Nam dành cho Người, không những thế nó còn đụng chạm đến niềm tự tôn dân tộc, linh hồn của núi sông Việt Nam, đến những gì thiêng liêng nhất mà nhân dân Việt Nam tôn thờ. Bởi đó không chỉ là lòng thành kính, sự biết ơn của mỗi chúng ta đối với đóng góp to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc, mà đó còn là sự ngưỡng mộ, trân trọng một nhân cách cao cả, lớn lao, kỹ vĩ, nhưng cũng rất đơn sơ, mộc mạc, nặng hồn sông núi…Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn…