Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU VỀ TỔ CHỨC NHÓM SINH VIÊN TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC



Nhắc tới sinh viên, chúng ta luôn nghĩ tới một lứa tuổi với những điều trong sáng và tốt đẹp. Đây là lực lượng kế cận bổ sung cho đội ngũ trí thức của xã hội. Hiện nay, thế hệ sinh viên Việt Nam đang nỗ lực rèn luyện, học tập, bổ sung kiến thức để hoàn thiện bản thân qua việc tham gia nhiều hoạt động, mà nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong số đó. 
NCKH là một hình thức giáo dục ở đại học, là một khâu trong quá trình học tập của sinh viên. Công tác NCKH của sinh viên là phương pháp có hiệu quả nhất trong việc đào tạo những người cán bộ ở trình độ đại học. Nó phát triển tối ưu tư duy sáng tạo, phát triển tính linh cảm khoa học, phát triển những kỹ năng, kỹ xảo nghiên cứu khoa học của người sinh viên trong quá trình tiếp nhận tri thức, từ đó sử dụng chúng vào giải quyết một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hoạt động NCKH là cơ hội để sinh viên tự thể hiện nhân cách của mình và hình thành kỹ năng làm việc nhóm. Hoạt động NCKH trong sinh viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Trong điều kiện năng lực, thời gian sinh viên dành cho NCKH còn hạn chế, kinh phí phục vụ cho công tác NCKH của sinh viên còn ít. Trong khi đó yêu cầu của một đề tài NCKH của sinh viên ngày càng cao, khối lượng công việc của một đề tài NCKH của sinh viên ngày càng lớn, mỗi cá nhân sinh viên khó có thể hoàn thiện được hết các công việc, điều đó làm cho kết quả và hiệu quả của đề tài không cao mặc dù khâu chuẩn bị rất chu đáo, việc chọn đề tài, lên đề cương, ý tưởng rất tốt. Chính vì vậy, mô hình NCKH theo nhóm sinh viên đang được khuyến khích phát triển, để đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là việc lập, vận hành của  nhóm sinh viên NCKH chưa thật sự hiệu quả. Các nhóm sinh viên NCKH được lập ra nhưng hoạt động thiếu thống nhất, hoạt động không có chủ định ảnh hưởng đến kết quả chung của nhóm. Từ thực tế tổ chức nhóm sinh viên trong NCKH tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động NCKH theo nhóm sinh viên như sau:
Một là, phải lựa chọn đúng người, phân đúng việc.
Trước khi bước vào thực hiện đề tài, căn cứ vào mục tiêu đề tài, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu mà chủ nhiệm chính đề tài (sau đây gọi là trưởng nhóm) phải lựa chọn được thành viên phù hợp. Phù hợp ở đây là phù hợp về số lượng và năng lực thành viên theo yêu cầu của đề tài. Nếu đề tài yêu cầu cao, đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng thì phải tập hợp đủ người và phải phù hợp với chuyên môn của từng người. Sau khi tập hợp đủ thành viên theo yêu cầu thì phân việc cho mỗi thành viên cũng rất quan trọng. Phân công công việc là một việc làm không thể thiếu khi hoạt động theo nhóm. Khi phân công phải chú trọng phân công phù hợp với năng lực của từng thành viên vì mỗi cá nhân sẽ cống hiến hết mình nếu họ được đánh giá đúng năng lực, sử dụng đúng và được tin tưởng. Sự phân công rõ ràng trách nhiệm của từng thành viên sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho nhóm. Phong cách làm việc nhóm là phải bình đẳng giữa các thành viên. Nghĩa là, ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Cùng thực hiện các công việc có thể khác nhau nhưng cùng một mục đích chung là hoàn thiện đề tài để đạt kết quả và hiệu quả cao.  Việc tập hợp thành viên và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác phải căn cứ trên yêu cầu và mục tiêu của đề tài cần nghiên cứu. Thông thường, một đề tài NCKH theo nhóm tối đa là 05 thành viên. Tuy nhiên, căn cứ vào các yêu cầu thì không nhất thiết phải đủ 05 thành viên, có thể chỉ cần 03 hoặc 04, thậm chí chỉ cần 02 thành viên. Quan trọng là phải căn cứ vào khối lượng công việc phải làm trong khoảng thời gian đã xác định.
Hai là, thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng yêu cầu và kịp tiến độ.
Trong quá trình thực hiện, vai trò của trưởng nhóm hết sức quan trọng đặc biệt là trong khâu kiểm tra và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong nhóm theo nguyên tắc đảm bảo đúng yêu cầu và kịp tiến độ. Thực tế cho thấy, mặc dù công việc phân công cho các thành viên đã rò ràng, khối lượng công việc có thể hoàn thành kịp thời gian theo yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều thành viên tỏ ra lúng túng, thực hiện không theo yêu cầu, không phân bổ thời gian hợp lí và thường “nước đến chân mới nhảy” nên nhiều trường hợp hoàn thành không tốt nhiệm vụ và đôi khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nhưng chủ yếu là ở các thành viên, do quá trình hội họp, phân việc không chú ý, chưa nắm rõ các yêu cầu, trong quá trình thực hiện thì thiếu liên kết, trao đổi, làm việc cá nhân, cảm tính dẫn đến sai lệch. Chính vì vậy, khi phân công công việc trưởng nhóm cần phân rõ công việc, hướng dẫn các thành viên các bước thực hiện. Các thành viên phải hiểu rõ và nếu có thắc mắc thì phải hỏi và trao đổi với nhóm trưởng.
Ba là,  phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của trưởng nhóm.
Việc tổ chức nhóm sinh viên NCKH thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của trưởng nhóm. Trưởng nhóm là người điều hành chung công việc, người ra các quyết định và tổng hợp các ý kiến của các thành viên trong nhóm. Vì vậy, trưởng nhóm phải là người đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm, vốn hiểu biết, đạo đức, quan hệ mới đáp ứng và điều hành tốt hoạt động của nhóm.
Bước vào thực hiện đề tài,  trưởng nhóm phải làm cho mỗi thành viên hiểu rằng, họ có thể hợp tác trong nhóm một cách bền vững, lâu dài và đôi bên cùng có lợi. Mỗi thành viên đều tin vào năng lực chuyên môn và tư cách đạo đức của trưởng nhóm. Trong trường hợp cho phép, trưởng nhóm cần tranh thủ cả niềm tin của gia đình, người thân của các thành viên trong nhóm. Trưởng nhóm phải là người có đủ khả năng hướng dẫn, dẫn dắt như một kim chỉ nam về chuyên môn, các mối quan hệ, giao tiếp nghề nghiệp… Với vai trò này, người trưởng nhóm  phải giỏi về chuyên môn, luôn làm chủ được các vấn đề, kiến thức liên quan tới các nghiên cứu trong nhóm, giúp các thành viên lựa chọn hướng chuyên môn thích hợp. Trưởng nhóm phải thật sự hiểu rõ tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của các thành viên trong nhóm. Những khó khăn, vướng mắc của các thành viên để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh mặt chuyên môn, trưởng nhóm cần thường xuyên hun đúc cho mỗi thành viên những mong muốn phấn đấu và cống hiến. Để mỗi thành viên đều cảm thấy khát vọng sống, khát vọng học tập và khát vọng làm việc. Đặc biệt là vai trò cộng hưởng sức mạnh. Trong một tập thể đông người rất dễ xảy ra các va chạm, do vậy người trưởng nhóm phải là tâm điểm xây dựng, bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất…Các hoạt động sáng tạo trong NCKH luôn trầm lặng và căng thẳng, đòi hỏi trưởng nhóm cần biết cách tạo ra không khí tươi vui lành mạnh, như vậy hiệu quả làm việc sẽ tăng, đồng thời không gây sự nhàm chán. Tất cả (hoặc hầu hết) các ý tưởng nghiên cứu, các cải cách lớn, quan trọng đều phải xuất hiện đầu tiên ở trưởng nhóm, hoặc do trưởng nhóm khởi động. Tất nhiên phải rất chú trọng kích thích sự sáng tạo của mỗi thành viên. Nói chung, trưởng nhóm phải biết cách tạo ra chất sống và sức sống, phát triển sức sống ấy cho nhóm NCKH.
Bốn là, phát huy vai trò và trách nhiệm của các thành viên trong nhóm.
Tham gia nhóm nghiên cứu mỗi thành viên có một vị trí và vai trò nhất định, góp phần thành công trong công việc chung của nhóm.  Mỗi thành viên phải có trách nhiệm đối với nhóm, trách nhiệm với phần việc mình phụ trách và kết quả chung của nhóm. Mỗi thành viên phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với nhóm, phải hiểu rằng mình là một mắt xích trong “cỗ máy” nhóm, một mắt xích không đảm bảo thì ảnh hưởng đến sự vận hành của cả cỗ máy. Vì vậy, mỗi thành viên phải có thái độ làm việc nghiêm túc, tích cực cùng cả nhóm thực hiện mục tiêu chung một cách hiệu quả nhất. Tính tích cực của các thành viên được thể hiện ở việc cùng với nhóm trưởng xây dựng kế hoạch hoạt động của nhóm, chọn đề tài, xây dựng đề cương đề tài, thực hiện tốt phần việc được giao. Tham gia phát biểu ý kiến xây dựng nhóm vững mạnh, thường xuyên có những ý kiến đóng góp tích cực để nâng cao chất lượng đề tài và hiệu quả hoạt động của nhóm. Bên cạnh phát biểu ý kiến, mỗi thành viên cũng cần biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của thành viên khác cũng như của trưởng nhóm. Mọi ý kiến và quan điểm phải xuất phát từ mục đích và lợi ích chung của nhóm. Không vì lợi ích của cá nhân hay của một vài cá nhân mà làm sai trái.
Trên đây là một số kinh nghiệm của cá nhân tôi trong việc tổ chức nhóm sinh viên NCKH. Hy vọng rằng mỗi sinh viên có thể tham khảo và rút ra cho mình những kinh nghiệm để đạt kết quả cao trong việc tổ chức nhóm sinh viên NCKH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét